Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

CƯỚP VỢ ĐOẠT CHỒNG - ÂN OÁN ẤY BAO GIỜ MỚI CỞI ĐƯỢC

NQL: Chuyện này nếu không do bác Minh Diện viết, không đăng ở blog bác Bùi Văn Bồng thì mình chẳng dám cóp. Mình chẳng biết lò vôi lò gạch là ông nào nhưng đọc thấy ghê răng bỏ mẹ, hi hi

Minh Diện
Thời gian vừa qua, Huynh Uy Dũng, trước là Huỳnh Phi Dũng, biệt danh “Dũng lò vôi”, từng là đại biểu Quốc hội khóa X (1996-2001), lại khuấy động dư luận trong và ngoài nước về chuyện đời tư của mình. Thói thường, “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”, đằng này vợ chồng Huỳnh Uy Dũng lại phô ra. Vì háo danh, hay bị luật nhân quả nó hành như vậy?
Đầu tiên là chuyện lu loa mất hột xoàn kim cương, trị giá chục tỉ đồng. Nhưng khi bắt được thủ phạm, thì tài sản không đáng giá! Kế đó Dũng làm làm đơn gửi Bộ Công an, rồi lên đài báo, tố cáo những kẻ đã tung tin đồn ác ý, làm cuộc sống gia đình ông điên đảo.
Ngày 17-1-2013, Huỳnh Uy Dũng rao trên báo Lao Động, treo thưởng 100 tỷ đồng cho bất kỳ ai có chứng cứ vợ ông vay nợ 2.000 tỉ đồng từ các ngân hàng và đối tượng bên ngoài.
Huỳnh Uy Dũng nói: “Họ đã vu khống, bôi nhọ tôi một cách hệ thống, bằng tờ rơi rải khắp Bình Dương, bằng tin trên mạng Internet, bằng truyền khẩu dân gian, làm hạnh phúc gia đình tôi bị điên đảo, tai tiếng suốt ba năm qua. Vợ chồng tôi phải rất thương yêu nhau và rất vững vàng mới trụ vững được”.
Cứ tưởng đây lại là một thế lực thủ địch, vì Huỳnh Uy Dũng từng làm đại biểu Quốc hội với cái tên Huỳnh Phi Dũng, nên Bộ Công an phải vào cuộc. Nào ngờ, chả có thế lực thù dịch nào, mà kẻ “vu khống bôi nhọ” ấy đã bị Nguyễn Phương Hằng, tức Nguyễn Thị Thanh Tuyền, biệt danh “Hằng Canada”, vợ Huỳnh Phi Dũng, vạch mặt chỉ tên, đó chính là chồng cũ của Nguyễn Phương Hằng.
Gần hai chục năm trước, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã nói với tôi: “ Đảng, chính quyền và nhân dân Bình Dương cảm ơn nhân dân Bình Định đã cống hiến cho Bình Dương một người con ưu tú….!”.
Người con “ưu tú” ấy, được nhà sử học Dương Trung Quốc gọi là “Kỳ nhân Huỳnh Phi Dũng”, mà tôi đã viết một bài báo dài đăng trên một số trang mạng.
Cứ tưởng tài thế, lắm mưu nhiều kế thế, lắm ô dù thế, nhiều kẻ bợ đỡ thế và nhiều tiền bạc, danh giá thế, thì hạnh phúc hơn thiên đàng, không ngờ cuộc sống lại quắt quay, điên đảo, đến nỗi phải công khai trên đài báo, làm trò cười cho thiên hạ, và sẵn sàng đánh đổi lấy sự bình an bằng 100 tỉ đồng?
Thì ra luật nhân quả bây giờ hiển hiện nhãn tiền, không phải “cha ăn mặn con khát nước!”.
Công an, báo chí, và tiền! Huỳnh Uy Dũng đã sử dụng một lúc ba thứ vũ khí mạnh nhất để trừ khử kẻ thù, bảo vệ hạnh phúc gia đình!
Cái hạnh phúc gia đình Huỳnh Uy Dũng đã được xây dựng như thế nào? Bài viết này tôi không đề cập đến việc làm ăn của Huỳnh Uy Dũng, chỉ nói về mối quan hệ vợ chồng của nhân vật này. Tôi hoàn toàn không muốn soi mói đời tư của ai, nhưng Huỳnh Uy Dũng đã tự khởi lên, hơn nữa, ông đã từng là một chính khách, do đó tôi nghĩ mình có quyền nói lên một sự thật.
Buổi sáng hôm ấy, tôi và nhà báo Hồng Quang, Đài Truyền hình Việt Nam, đang ngồi tán dóc ở văn phòng công ty Đại Nam, thì chiếc xe Lexus năm chỗ màu đen trờ tới. Bước ra khỏi xe là một người đàn ông và hai phụ nữ. Họ vào phòng, vui vẻ chào chúng tôi, người phụ nữ trẻ nhất giới thiệu :
– Thưa mấy anh, em là Hằng, mọi người quen gọi Hằng Canada vì em là Việt kiều Canada. Còn đây là chị gái em, và anh trai em!
Hằng khoảng bốn chục tuổi, mặt bầu, trang điểm kỹ, miệng nhỏ, mắt to, nhìn dạn dĩ sắc sảo. Cô khoe bộ ngực nở căng khêu gợi. Người phụ nữ được giới thiệu là chị gái cao, gầy, ăn mặc giản dị, tương phản với cái dáng thấp đậm trang điểm lộng lẫy của Hằng. Người đàn ông, được giới thiệu là anh trai, khoảng ngoài bốn mươi, cao to, ngăm đen, khuôn măt lạnh tỏ ra thiếu tự nhiên.
Nhà báo Hồng Quang nắm bàn tay nhỏ nhắn của Hằng:
– Có lẽ hoa hậu còn phải gọi em bằng chị đó nghe!
Hằng Canada cười tươi rói:
– Em đẹp lắm phải không anh?
Trong khi ông anh, bà chị ngồi khép nép ở góc bàn, thì Hằng Canada tự tay rót nước mời mọi người, nói chuyện rất tự nhiên như đã từng quen biết. Cô ngả vai, nghiêng đầu bên Huỳnh Phi Dũng rất thân mật.
Huỳnh Phi Dũng cho chúng tôi biết, Hằng sang Canada từ năm 16 tuổi, lấy chồng người Trung Quốc, đã có đứa con trai. Chồng Hằng chết trong một tai nạn, để lại tài sản trị giá 18 triệu đô la Mỹ. Mẹ chồng Hằng là một người Hoa, muốn Hằng lấy người em chồng, nhưng Hằng không chấp nhận. Một đêm Hằng đang ngủ, người em chồng với sự đồng lõa của bố mẹ, xông vào phòng cưỡng bức chị dâu. Hằng chống cự, và kêu cảnh sát tới can thiệp.
Sau sự việc đó, Hằng thanh lý hết tài sản, gom 18 triệu đô la, đưa con về Việt Nam thành lập công ty, kinh doanh bất động sản, trồng cao su, và mở siêu thị thời trang. Hiện nay Hằng có mấy trăm hec-ta cao su ở Bình Phước muốn bán cho Huỳnh Phi Dũng, đồng thời muốn thuê đất trong khuôn viên Đại Nam xây shop thời trang cao cấp.
Câu chuyện hấp dẫn như tiểu thuyết làm mọi người trong phòng gật gù tán thưởng. Tôi cảm thấy nghi nghi khi nhìn cảnh đầu mày cuối mắt giữa Huỳnh Phi Dũng với Hằng Canada. Lúc đi tham quan , tôi nói nhỏ với Hồng Quang:
– Dũng tiêu rồi!
Hồng Quang cười tinh quái:
– Nó cứ áp vú vào vai thằng Dũng!
Tôi hỏi Sáu Bằng, thượng tá, trước làm việc ở cơ quan an ninh công an Bình Dương, là ân nhân của Huỳnh Phi Dũng, khi nghỉ hưu , được Dũng thuê làm bảo vệ nội bộ:
– Anh có thấy không bình thường trong việc mua bàn cao su này không?
Sáu Bằng chép miệng :
– Không! Có cao su thật. Tôi đến tận nơi rồi!
– Chuyện khác cơ! Mối quan hệ tình cảm ấy?
Ông Sáu Bằng suy nghĩ một lát rồi nói:
– Tôi nghi con nhỏ này muốn chài chú Dũng!
Tôi nói:
– Anh cứu thằng Dũng, tan cửa nát nhà đấy!
Sáu Bằng gặp Hằng Canada nói thẳng: “Cô không nên phá sự nghiệp của chú Dũng”.
Không hiểu Hằng mách Huỳnh Phi Dũng thế nào, Dũng mắng Sáu Bằng te tua, đe đuổi việc. Gặp tôi, mặt Dũng đỏ gay: “Sáu Bằng nói năng tầm bậy, xúc phạm con nhỏ, làm nó khóc hết nước mắt! Tôi sẽ cho cha ấy nghỉ việc!”.
------
Một bữa cơm thân mật được tổ chức ở nhà hàng Vườn Xoài, có vợ chồng Huỳnh Phi Dũng, anh chị em Hằng. Ông Hoàng Sơn, Chủ tịch tỉnh Bình Dương, đang ngồi ở bàn tiệc bên cạnh cũng sang chung vui.
Hằng huyên thuyên kể chuyện tiếu lâm về bọn cướp biển. Không ngờ một phụ nữ trẻ, đẹp lại kể một câu chuyện dung tục đến thế giữa những người mới quen, đặc biệt có mặt ông Chủ tịch tỉnh? Tôi lái câu chuyện sang mối quan hệ gia đình, bạn bè. Hình như hiểu ý tôi, Huỳnh Phi Dũng đứng dậy nói: “Có mặt anh Minh Diện và anh Hoàng Sơn đây, em thề, cuộc đời thằng Huỳnh Phi Dũng, mà giàu bỏ bạn, sang bỏ vợ thì sẽ bị trời tru đất diệt!”.
Tiệc gần tàn, Hằng tặng Trần Thị Tuyết, vợ Dũng, chiếc nhẫn hạt xoàn. Hằng nói:
– Chiếc nhẫn này em mua bên Canada 40.000 đô la Mỹ, em tặng chị làm kỷ niệm!
Trần Thị Tuyết từ chối, Huỳnh Phi Dũng nói:
– Thì em cứ nhận! Rồi tặng lại cô ấy thứ khác!
Trần Thị Tuyết nhận chiếc nhẫn, nhìn qua rồi bỏ vào xách tay, nét mặt không vui cũng không buồn, chỉ thoáng băn khoăn. Là người sành sỏi trong kinh doanh, Trần Thị Tuyết hiểu đây là một món nợ, sẽ phải trả giá đắt hơn, nhưng lúc đó vẫn chưa biết phải đổi bằng hạnh phúc gia đình!
Chưa ở đâu, và bao giờ, có một lễ mừng thọ hoành tráng như lễ mừng thọ mẹ của Huỳnh Phi Dũng.
Trên quảng trường Đại Nam Văn Hiến, dưới ánh sáng của dàn đèn cao áp, một ngàn bàn tiệc mặn, tiệc chay với 10.000 thực khách. Tôi nhìn thấy Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng phu nhân, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải và nhiều cán bộ cấp cao trung ương và địa phương tới dự.
Bà Chín, mẹ Huỳnh Phi Dũng mặc gấm đỏ, ngồi kiệu hồng, bồng bềnh trong cờ lọng, hoa đăng rực rỡ như giữa chốn thiên đình. Từng đôi vợ chồng dâu, rể lần lượt lên chúc thọ mẹ, tặng những món quà giá trị bằng cả cơ nghiệp người thường.
Huỳnh Phi Dũng sánh vai vợ là Trần Thị Tuyết, quỳ lạy mẹ, dâng tặng vật cùng hiện kim 1 tỷ đồng.
Một tỷ đồng, với đa phần người dân Việt Nam là rất lớn, bằng mức thu nhập 500 tháng của một cô thợ may làm việc 10 giờ một ngày để được trả lương 2.000.000 đồng một tháng. Đối với Huỳnh Phi Dũng , đó không bằng một hạt cát, so với núi tiền được đắp bằng hàng trăm héc ta đất khu Sóng Thần I, Sóng Thần II, biến thành khu công nghiệp cho Minh Phụng, Epco và các doanh nghiệp thuê, hàng trăm héc ta đất khu trung tâm đô thị mới chia lô bán nền, hơn 460 héc ta khu Đại Nam. Đất không phải là sản phẩm của Huỳnh Phi Dũng làm ra. Đó là mồ hôi, nước mắt và xương máu cùa người dân Bình Dương khai khẩn, gìn giữ, là phương tiện để bà con kiếm miếng cơm manh áo tự ngàn đời.
Huỳnh Phi Dũng, từ một kẻ không một tấc đất cắm dùi, trở thành chủ của bạt ngàn đồng xôi ruộng mật, xây núi non, thành quách đền đài trên xương cốt của dân lành, mà ba hoa miệng lưỡi, tung tẩy khoe khoang đến hợm hĩnh lố lăng.
Đêm ấy, Huỳnh Phi Dũng đọc những bài thơ mình sáng tác, rồi các nghệ sỹ ca ngâm. Lời thơ sáo rỗng vút lên như ganh đua với hòn non bộ uy nghi, cầu kỳ cao chót vót: “Trên đời này nếu có lời nào đẹp nhất, là lời mẹ của con! Có tình yêu nào sâu đậm nhất là tình yêu con dành cho mẹ!”.
Một cơn gió bỗng nổi lên, làm đổ chiếc lọng vàng và mấy chiếc dù, trong đó có chiếc dù của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Tôi tự hỏi, do lòng hiếu thảo của Huỳnh Phi Dũng đã thấu tới trời, hay cái tình yêu Dũng vừa thể hiện chỉ là thứ đồ giả, như hòn non bộ chót vót kia, nên trời nổi phong ba?
Không lâu sau bữa tiệc sinh nhật ấy, tôi nhận đước câu trả lời.
-------
Điều mà tôi dự đoán đã xảy ra!
Đầu tiên cháu Huỳnh Phi Long, con trai đầu lòng của Dũng lên gặp tôi, khóc và nói: “Ba đặt chúng con lên ngai vàng, rồi đạp xuống bùn đen!”.
Hai anh em Long du học ở Mỹ, Huỳnh Phi Dũng gọi về, giao những chức vụ quan trọng trong công ty Đại Nam. Buổi lễ lên ngôi “Tổng giám đốc” của Huỳnh Phi Long, tôi cũng được mời dự, trang trọng lắm. Không ngờ lại là một thứ bánh vẽ.
Mấy ngày sau bà Chín, mẹ Dũng và Trần Thị Tuyết, vợ Dũng lên nhà tôi, kể những chuyên không thể tin đã xảy ra .
Huỳnh Phi Dũng tuyên bố ly hôn với Trần Thị Tuyết, để kết hôn với Nguyễn Phương Hằng. Bà Chín và các anh chị em, cũng như họ hàng, bạn bè kiên quyết phản đổi, Dũng tuyên bố từ bỏ tất. Không khí thù địch bao trùm lên một gia đình được coi danh giá nền nếp nhất Bình Dương.
Vợ Dũng kể: “Ông ấy vác búa về ngôi nhà 81 Yersin, đuổi đánh mẹ con tôi, rồi đập phá của kính, tủ, bàn bể nát, gãy vụn, rèn cửa tang hoang. Trong khi mẹ con tôi khóc thì ông Dũng gọi điện thoại khoe con Hằng là đã dạy cho “bọn chó” bài học đích đáng!”.
Tôi đã được nghe Dũng nói nhiều lời về đạo đức, về cách đối nhân xử thế, và Dũng thường ăn chay. Ngày bố Dũng bị bệnh nặng, Dũng lập đàn tế trời, xin mình giảm thọ mười năm, để bố sống thêm ít tuổi. Dũng cũng từng nói với chúng tôi: “Tuyết là người vợ tuyệt vời, đã cùng tôi tạo nên sự nghiệp!”. Bây giờ phũ phàng như vậy sao?
Chị Tuyết kể cho tôi nghe câu chuyện cười ra nước mắt, về chiếc nhẫn hạt xoàn Hằng Canada tặng chị hôm dự tiệc.
Chị nói: “Tôi đã đưa cho nó 40.000 đô la, coi như nó mua giúp chiếc nhẫn hột xoàn. Mấy ngày sau, tôi mang chiếc nhẫn lên một tiệm mua bán hạt xoàn kim cương nổi tiếng mà tôi quen ở Sài Gòn để kiểm tra. Người chủ tiệm vừa cầm chiếc nhẫn, đã nói ngay: “Chiếc nhẫn này mới mua ở tiệm tôi!”. Tôi cãi: “ Bà nhầm rồi, chiếc nhẫn này mua ở Canada!”. Bà chủ nói: “Ca-na-ma thì có ấy!”. Bà ta lấy chứng từ gốc ra đối chiếu. Đó chính là chiếc nhẫn Nguyễn Thị Thanh Tuyền mua tại đây, giá 10.500 đô la. Bà chủ tiệm giải thích: “ Nếu không bị tì vết, chiếc nhẫn này trị giá 40.000 đô la!”.
Trần Thị Tuyết đã xăm soi chiếc nhẫn khi được tặng, và hình như đã nghi đồ giả, nhưng chị lại không hề nghi Hằng rắp tâm cướp chồng mình. Một thời gian dài, Trần Thị Tuyết để mặc Huỳnh Phi Dũng làm ăn với Hằng Canada, bỏ qua rất nhiều lời cảnh báo của bạn bè , người thân. Bây giờ thì đã quá muộn !
Tôi nhìn gương mặt xám xanh, đôi mắt thất thần của người phụ nữ bất hạnh, vừa thương hại vừa trách chị. Phải chăng vừng hào quang tỏa ra từ 18 triệu đô la hư hư, thực thực đã làm lóa mắt người phụ nữ nhiều tham vọng làm giàu này?
Hơn hai chục năm trước, Trần Thị Tuyết kết hôn với Huỳnh Phi Dũng. Tuyết là con gái ông Ba Thu, Giám đốc Sở Nông nghiệp, người rất có uy tín ở tỉnh Sông Bé lúc bấy giờ. Tuyết hơn Dũng 6 tuổi, nhan sắc trung bình, được học hành tử tế. Lúc đó Dũng chỉ là một anh lính xuất ngũ, trình độ văn hóa chưa hết phổ thông trung học, bơ vơ xứ người, vai ba lô, chân dép râu.
Toàn bộ chi phí đám cưới vợ chồng Dũng, gia đình ông Ba Thu lo. Sau đám cưới, ông Ba Thu xin cho con rể vào làm nhân viên Phòng tổ chức Sở Công an, sau đó Huỳnh Phi Dũng phải chuyển sang phòng hậu cần, vì vướng vào một vụ tuyển nhân sự.
Chị Tuyết nói: “Tài sản duy nhất của hai vợ chồng lúc đó là chiếc xe Honda đam trị giá ba cây vàng, tiền mừng đám cưới ba má tôi cho!”.
Quá trình Huỳnh Phi Dũng làm giàu tôi đã viết trong bài báo trước, chỉ xin nhắc lại là, trong suốt những năm tháng ấy, đôi vợ chồng này tỏ ra tâm đầu ý hợp, sống hạnh phúc, mẫu mực trong các mối quan hệ với mọi người trong gia đình, họ hàng và xã hội. Huỳnh Phi Dũng có hai con trai và con gái út. Chiếc điện thoại di động nào Huỳnh Phi Dũng cũng cài hệ thống báo cuộc gọi đến bằng hình ảnh cô con gái út, gương mặt dễ thương, giọng nói nhõng nhẽo: “Ba ơi có điện thoại!”.
Huỳnh Phi Dũng đã hóa thân thành một vai diễn trong vở kịch đời, từ khi yêu Trần Thị Tuyết và suốt ngần ấy năm, hay cái ung nhọt mới bùng phát ? Điều đó chỉ Huỳnh Phi Dũng biết.
-----------
Bà Chín và chị Tuyết nói với tôi là Huỳnh Phi Dũng bị bùa ngải, và nhờ tôi giúp. Tôi đưa bà Chín và chị Tuyết xuống Đồng Tháp, gặp Hòa thượng Quốc Ánh, rồi về quận Phú Nhuận, gặp vị trụ trì chùa Pháp Hoa, Hòa thượng Thích Như Niệm nổi tiếng. Cả hai vị cao tăng đều chỉ có một lời khuyên: “Cái phúc cái họa đều do con người tạo ra, nhân nào quả ấy, không tránh được, hãy tự vấn, chăm làm việc thiện và chăm đọc Chú Đại bi may hóa giải được phần nào!”.
Căn bệnh ung thư của chị Trần Thị Tuyết mỗi ngày một nặng thêm vì sự quậy phá của Huỳnh Phi Dũng. Ông Ba Thu nói với tôi: “Cháu coi, chú gả con gái cho nó, lo cho nó như vậy, bây giờ chú chín chục tuổi, nó cứ réo tên chửi!”.
Để chấm dứt bi kịch đó, chị Tuyết đã chấp nhân ly hôn sau mấy lần không đồng ý.
Trần Thị Tuyết kể cho tôi nghe diễn biến phiên tòa đầy kịch tính.
Hôm ấy Trần Thị Tuyết và ba đứa con yêu cầu tài sản chia làm ba phần, Huỳnh Phi Dũng một phần, Trần Thị Tuyết một phần, ba người con một phần, trước khi chia nhờ một cơ quan kiểm toán độc lập, xác định rõ tài sản, công nợ. Huỳnh Phi Dũng đề nghị tòa không can thiệp việc phân chia tài sản, mà để hai bên tự giải quyết.
Trần Thị Tuyết nói: “Ông Dũng quỳ xuống chắp tay lạy tôi và ba đứa con, xin cho ông ấy chia tài sản, để ông ấy trả nợ. Ba đứa con tôi nói với tôi, thôi má, làm theo ba đi!”.
Huỳnh Phi Dũng chia cho vợ khu nhà xưởng khu lò vôi cũ, cho mỗi đứa con 5 hec ta cao su, còn lại phần mình. Thật mỉa mai khi ông ta thường nói: “Tham của cải, của cải bỏ ta mà đi, ví nghĩa nhân trường tồn mãi mãi!”.
Huỳnh Phi Dũng đổi tên thành Huỳnh Uy Dũng.
Nguyễn Thị Thanh Tuyền đổi tên thành Nguyễn Phương Hằng.
Họ tưởng thay tên đổi họ là có thể đoạn tuyệt được quá khứ chăng?
Đám cưới của Huỳnh Uy Dũng, Nguyễn Phương Hằng tổ chức linh đình, sau khi Nguyễn Phương Hằng ra tòa ly dị chồng. Người chồng ấy, không ai khác, chính là người cùng ngồi trên chiếc xe Lexus năm chỗ màu đen, tôi và nhà báo Hồng Quang đã gặp ở văn phòng công ty Đại Nam, mà Hằng Canada giới thiệu là “anh trai”. Đó là Trần Văn Thìn, quê Bến Tre, chồng chính thứ 2 của Nguyễn Phương Hằng, đã có với nhau một con gái, khi ly hôn mới 4 tuổi.
Tại sao Trần Văn Thìn lại đóng giả anh trai cùng vợ xuất hiện ở Công ty Đại Nam? Tại sao một người chồng lại có thể ngồi nhìn vợ mình ngả ngớn với một người đàn ông khác? Phải chăng đó là một mưu toan đã được sắp đặt, thực thi kế mỹ nhân? Câu hỏi đó xin dành cho Trần Văn Thìn - người đang là thủ phạm trong vụ án “vu khống bôi nhọ” đại gia Huỳnh Uy Dũng.
Điều mà mọi người đã biết, là Nguyễn Phương Hằng cướp chồng của Trần Thị Tuyết, Huỳnh Uy Dũng cướp vợ của Trần Văn Thìn, tạo nên ân oán. Mối ân oán này còn lâu mới giải được!
Huỳnh Uy Dũng và Nguyễn Phương Hằng có một đứa con trai hai tuổi, mọi người gọi đứa bé là “Thiếu gia”, Huỳnh Uy Dũng không đồng ý, bắt gọi là “Cậu”. Huỳnh Uy Dũng muốn con mình lớn lên đi tu!
Huỳnh Uy Dũng đã xây chùa, giờ lại muốn con mình đi tu! Để tạo phúc cứu rỗi cho bá tánh hay giải bớt oán cừu?
Kinh Phật dạy: “Không đâu không hiện thân. Mười phương trong các cõi!”.
Đừng đánh lừa người đời và thần linh, con người mình hiện ra giữa trời đất không gì che giấu được.
M.D

Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

MẸ TÔI CHỬI KẺ TRỘM & DÂN TÔI CHỬI GIẢI THƠ

 Trên mạng tràn ngập những lời oán thán và những lời phẫn nộ về cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 vừa tổ chức tổng kết và trao giải. Điểm nóng nhất để dư luận hướng vào là bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân được trao giải B đồng hạng với tác giả Nguyễn Văn Song (không có giải A).

Giải B của tác giả Tòng Văn Hân có cả thảy 3 bài: "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", "Làm rể" và "Nhà dưới nhà trên". Tác giả Tòng Văn Hân là một tên tuổi rất mới, nếu vị trí cao nhất mà thuyết phục được công chúng, thì rất đáng mừng cho cuộc thi. Tuy nhiên, kết quả dường như đang đi ngược lại mong ước chính đáng ấy.

Nguyên văn bài thơ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của Tòng Văn Hân:

"Những lần gà nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

-Cái đứa trộm gà ơi

Ta cầu mong cho ngươi

Nuôi được gà đầy đàn

Lứa này tiếp lứa khác

Có nhiều gà nhất bản

Có nhiều gà nhất mường!

Những lần lợn con nhà tôi bị mất

Mẹ tôi chửi:

-Đứa nào trộm lợn nhà tôi

Thì hãy có nhiều lợn

Đàn tiếp đàn núc ních

Lứa tiếp lứa không ngừng

Bán được nhiều tiền nhé !

Từ thuở bé đến giờ

Hễ nhà mình mất gà mất lợn

Tôi đều nghe thấy mẹ tôi chửi như thế

Cầu mong cho kẻ trộm kia khá giả

Không bao giờ đến nhà tôi ăn trộm nữa

Tôi là đứa con gái dưới mức bình thường

Nhan sắc không bằng đám bạn

Khéo léo không bằng người ta

Thế mà có hẳn bốn nhà

Muốn được tôi làm con dâu của họ"

Ý tưởng "phúc đức tại mẫu" rất được. Người mẹ có tấm lòng rộng lớn thì người con sẽ gặp nhiều báo đáp may mắn. Tuy nhiên, viết quá vụng về, nên phơi bày sự ngây ngô. "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" được chọn đăng trên báo, đã là một sự châm chước. Còn trao giải cho "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" thì hơi xem thường độc giả và xem thường thi ca.

Tác giả Tòng Văn Hân ở Điện Biên tâm sự rất thật thà: "Tôi làm thơ với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình quảng bá hình ảnh tươi đẹp trong không gian sống của người Thái nói riêng, của người miền Núi trên địa phương tôi nói chung đến với đông đảo bạn đọc". Động viên Tòng Văn Hân là cần thiết. Thế nhưng, không thể khích lệ theo kiểu ban phát giải thưởng một cách chủ quan và dễ dãi.

Cư dân mạng bấu lấy "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" để đua nhau chửi giải thơ, hoàn toàn có lý do hợp tình, hợp lý. Chửi hùng hổ hay chửi réo rắt cũng có thể chấp nhận, nhưng lại có vài người vì quá nhiệt huyết mà chửi nhầm địa chỉ. Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ 2019-2020 không liên quan đến tân Chủ tịch Hội Nhà văn VN - Nguyễn Quang Thiều và Hội đồng Thơ vừa mới thành lập.

Rõ ràng hơn, Ban chung khảo cuộc thi thơ đã vinh danh "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" để dân tôi chửi giải thơ, gồm các ông: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương, Khuất Quang Thụy và Nguyễn Đức Mậu.

Giải B trao cho "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" không phải lỗi của tác giả Tòng Văn Hân, mà là lỗi của Ban chung khảo. Bây giờ, dư luận đã phản ứng gay gắt như vậy, thì những người cầm cân nảy mực cần có phản hồi thật thiện chí, hoặc chứng minh mạch lạc giá trị thi ca của "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" hoặc thừa nhận đã nhầm lẫn về giá trị của "Mẹ tôi chửi kẻ trộm".

Xin được nhấn mạnh tác giả Tòng Văn Hân không có lỗi khi nỗ lực dự thi và đột ngột được giải cao. Mặt khác, người yêu thơ còn chửi giải thơ, nghĩa là họ còn tin tưởng và còn hy vọng vào báo Văn Nghệ. Đó cũng là điều đáng mừng. Vì nhiều năm qua, trong cơn suy thoái chung của báo chí, tờ Văn Nghệ không còn giữ được chất lượng như xưa nữa.

Có khi, giữa phúc họa khôn lường, từ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” khiến dân tôi chửi giải thơ, báo Văn Nghệ có dịp cải tổ toàn diện để xứng đáng là địa chỉ văn chương uy tín bậc nhất của Việt Nam. Biết đâu, với báo Văn Nghệ, trong cái rủi lại có cái may!

Lê Thiếu Nhơn 

LOAY HOAY CHUYỆN CƠM ÁO GẠO TIỀN VỚI NHÀ BÁO

Buổi trưa, có một thằng đàn em trong nghề báo gọi điện cho tôi, tâm sự, nhờ tư vấn…

Chuyện của thằng đàn em tôi thực ra cũng chẳng có gì mới, là một câu chuyện cũ mà tôi đã ngộ ra từ 6 năm trước và đã điên cuồng tìm cách giải quyết nó một cách dứt điểm: Phải làm gì để sống nếu nghề báo không thể nuôi sống mình hoặc không còn làm báo nữa?

Đây là một câu hỏi mà rất nhiều nhà báo đã phải tự vấn và đau đầu khi đột ngột hoặc từ từ lâm vào hoàn cảnh này.

Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay đa phần các nhà báo đều lâm vào cảnh khó khăn về mặt kinh tế, tài chính khi bước vào tuổi trung niên – trừ những nhà báo đang công tác tại những tờ báo lớn - vì hầu hết những tòa soạn đều lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, “thiếu trước hụt sau”… Và, những nhà báo sau khi bỏ nghề hoặc rời khỏi những tòa soạn lớn mà họ từng phục vụ lâm vào hoàn cảnh éo le khá nhiều.

Để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt, có nhà báo thì bán… quán nhậu, mở quán cà phê; có người thì cố gắng bám nghề bằng mọi giá, chạy đôn chạy đáo kiếm “phi vụ”, hợp đồng quảng cáo… Nói chung là vất vả, làm những cái nghề thông thường ai cũng nghĩ ra, ai cũng làm, và tất nhiên là khả năng thành công trong mảnh “đất chật người đông” là rất khó!

Thằng đàn em của tôi tâm sự: “Nó trả lương em có 10 triệu đồng / tháng thì làm sao sống? Còn giao em đứng trưởng đại diện thì mỗi năm em phải nộp về tòa soạn 480 triệu đồng, lương em thì được trả 20 triệu đồng / tháng… cũng không dễ. Khổ lắm anh ạ, em làm báo 30 năm rồi, bây giờ bỏ thì cũng tiếc!” Vâng, tiếc lắm, và bởi vì tiếc nên mới lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan!

Tôi đã từng là thủ trưởng một cơ quan báo chí đại diện phía Nam, từng phải tìm đủ mọi cách để tự chủ về mặt tài chính, thực hiện nghĩa vụ với cơ quan, nuôi sống đám “lính” của mình, còn bản thân thì lãnh mức lương bèo bọt theo quy định của nhà nước, không đủ tiền ăn sáng mỗi ngày, nếu mà hứng chí lên, đem tiền lương bao đám lính ăn nhậu thì chỉ 1 bữa là… hết sạch! Lúc đó, mọi tâm niệm của tôi đều chỉ tập trung vào việc làm sao kiếm được cho thật nhiều tiền để nuôi quân, để phát triển tờ báo, để tự nuôi bản thân và gia đình mình một cách đàng hoàng, không thiếu đói. Nhưng, kiếm tiền không dễ, bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu thứ phải chi phí, phải làm sao cho đúng… Điên cái đầu!

Ngay từ thời cách đây gần chục năm, tôi đã tự nhận ra một điều bất hợp lý là: Cơ quan do tôi làm thủ trưởng phải tự chủ về tài chính, tuân theo quy luật thị trường, nhưng sản phẩm chúng tôi sản xuất ra thì phải tuân theo quy định của nhà nước, không theo quy luật thị trường. Như vậy, thì khả năng sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ không bán được vì không phù hợp với nhu cầu, mong muốn, thị hiếu… của người mua là rất cao. Vậy thì làm sao sống? Nếu muốn sống, chỉ còn có 2 con đường mà tôi nhìn thấy trước mắt lúc đó: Một là đi ăn cướp; hai là đi ăn mày! Cả hai cách, tôi đều không muốn, không thích…

Trong một cuộc họp với lãnh đạo của tôi, tôi cũng đã nêu bật ý này nhưng… không ai có một giải pháp khả thi vì chẳng ai có đủ khả năng chịu trách nhiệm nếu làm sai quy định.

Tôi đã từng trằn trọc nhiều đêm không ngủ, suy nghĩ về đời mình, nghề nghiệp của mình… Khi nghề báo đã không thể nuôi sống bản thân tôi và gia đình một cách đàng hoàng, chân chính, thì tôi có nên cố tìm đủ mọi cách để giữ nghề? Nếu đủ dũng khí, tuyệt tình bỏ nghề, tôi sẽ phải làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình mình? Không dễ để đưa ra một quyết định dứt khoát và đủ dũng khí để dấn thân vào một con đường mình chưa từng đi lúc ở tuổi trung niên…

Cuối cùng, tôi cũng quyết bỏ nghề làm báo, đơn giản chỉ vì: Nếu còn lưu luyến thêm ngày nào thì bản thân mình sẽ nguy hiểm, tàn tạ thêm ngày ấy. Bỏ nghề sớm được ngày nào thì mình sẽ tăng thêm cơ hội, có thêm nhiều thời gian để làm quen với môi trường sống mới ngày ấy.

Tôi đã từng là một nhà báo có nhiều thành tích trong nghề, dứt bỏ những thành tựu cả một thời tuổi trẻ của mình không dễ, nhưng cũng đành… Ngày 21/6 năm ấy, tôi nhắn tin cho những bạn bè đồng nghiệp cũ của mình bằng một giọng điệu buồn bã, ảm đạm, sến súa mà tôi chưa từng như thế bao giờ!

Bỏ nghề báo, lúc đó tôi chỉ còn phải đối diện với một vấn đề: Làm gì để sống?

Tôi cũng từng thử mở quán, từng thử buôn bán lặt vặt, tìm cơ hội ở những lĩnh vực mà mình đam mê… Nhưng, tất cả những thứ tôi nhìn thấy thời điểm đó đều là những thứ dễ làm nhưng làm… không dễ, quá nhiều người làm, quá nhiều người cạnh tranh, và như vậy thì khả năng tồn tại của một kẻ không chuyên như tôi đã là một điều khó, chứ nói chi đến chuyện phát triển.

Chẳng lẽ tôi sẽ ngồi chờ… chết đói trong một căn nhà biệt thự rộng rãi, lộng lẫy, giá trị cao, để giữ “phong độ” của một người từng thành đạt? Đương nhiên là không, tôi không phải là một kẻ thụ động, mà là mẫu người của hành động, nhanh nhẹn, nhạy bén, can đảm, nếu không nói là liều lĩnh.

Tôi đã làm điều mà rất nhiều người không dám làm: Bán con mẹ nó cái nhà to mà tôi đã khổ công tích góp, dành dụm cả đời đi để chơi một canh bạc lớn! Cầm được số tiền lớn (không phải ai cũng có) trong tay, tôi chơi “tất tay” với cuộc đời mình. Nếu tôi quá dở, trở thành một kẻ thua cuộc, tôi sẽ an bài tối đa cho vợ con rồi “đi chết đi!”, không oán thán!. Còn nếu tôi thắng, cuộc đời của tôi và cả gia đình sẽ sang trang mới, từ nay sẽ không còn phụ thuộc vào bất kỳ ai chỉ để tồn tại một cách lay lắt giữa đời…

Thật may, tôi không thua, tôi có một số vốn kiến thức và vốn sống, kinh nghiệm… phong phú thu thập được từ thời còn cọ sát khắc nghiệt trong môi trường báo chí. Đó là một lợi thế đáng kể bởi không phải ai cũng có cơ hội va chạm đủ mọi cấp độ, rèn luyện khả năng thực chiến cao như tôi.

Bây giờ, tôi như các bạn đã thấy. Tôi không giàu, nhưng cũng đủ để không cần ai giúp đỡ chỉ để tồn tại trong cuộc đời này. Tôi tự trả lương cho chính mình, tự nuôi sống gia đình, định hướng tương lai…

Thân gởi những đàn em của tôi trong nghề báo, nếu có người nào đã, đang, hoặc sắp lâm vào hoàn cảnh tôi từng trải qua: Hãy cứ mạnh dạn dấn bước trên con đường vô định như các bạn đã từng, và cái các bạn cần trang bị cho mình trên con đường ấy cũng như hồi các bạn còn trẻ là dũng khí, ý chí… cái gì cần buông bỏ, nên buông bỏ, đã đến lúc buông bỏ, thì phải buông bỏ. Cái gì cần làm, nên làm, đến lúc làm, thì phải đủ dũng khi và quyết đoán để làm.

Thật ra, bây giờ hành trang các bạn đem theo trên đường đời có nhiều hơn hồi trẻ mà đôi khi các bạn không tự nhận ra là: Các bạn có nhiều tiền, nhiều vốn sống, kinh nghiệm hơn hồi đó.

Vậy nhé, đừng sợ hãi, buồn bã, “lăn tăn” nữa!

Hữu Phú (7/4/2021)

Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

CHÍNH SÁCH VÀ HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ

 Phải nói rằng, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ rất lớn, nếu Việt Nam muốn hiện thực hoá khát vọng văn minh, hiện đại. Đất nước sẽ khó có thể phát triển nhanh và bền vững nếu còn tồn tại những dự án dài đằng đẵng và lắm vấn đề như dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, chỉ số ICOR chưa cho thấy việc sử dụng vốn hiệu quả, số lượng lớn người lao động công nghiệp vẫn phải sống dựa vào việc gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài, các sản phẩm nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro của bấp bênh mùa vụ và thị trường…

Nền hành chính quốc gia trong những năm qua đã có nhiều cải thiện, đặc biệt là các kết quả cải cách hành chính ngày càng giúp người dân và doanh nghiệp hài lòng hơn, trong khi bộ máy hành chính từng bước được tinh gọn. Nhưng trong hệ quy chiếu với các nền hành chính hiện đại khác, thì nhiệm vụ “cải cách mạnh mẽ” nền hành chính Việt Nam vẫn là một yêu cầu cấp thiết, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế số đang bùng nổ trên phạm vi toàn cầu.


Khi đánh giá nguyên nhân vì sao chúng ta vẫn phát triển dưới tiềm năng, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia luôn nhấn mạnh vào lý do: thể chế, thể chế và thể chế. Thể chế sẽ quyết định toàn bộ tốc độ và chất lượng phát triển, bao gồm trong đó việc tìm ra các động lực, tạo ra các nguồn lực cho phát triển và kiểm soát quyền lực của bộ máy Nhà nước trong quá trình phát triển.
Một Chính phủ hiệu lực, hiệu năng chỉ khi đồng thời tạo ra được cơ chế, chính sách tốt và có các thành viên đầy quyết tâm trong hành động.

Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

TÂM SỰ MỘT NGƯỜI TỪNG LÀM BÁO: TÔI ĐI LÀM BÁO (NHÀ BÁO HỮU PHÚ)


NPV: Mới đây, cộng đồng mạng bùng nổ với những bài viết lại thời kỳ làm báo của nhà báo trưởng thành và nổi danh từ báo Thanh Niên là anh Hữu Phú. Đây là một nhà báo từng nổi tiếng với các loạt bài điều tra xã hội đen trước đây. Cũng vì thế, xung anh nhà báo này cũng nhiều lời đồn đại, ăn tiền, bảo kê… cũng như những các các giang hồ xã hội đen vậy.

Sự kiện làng báo có một loạt nhà báo bị bắt và kết án tù vào lúc đấy khiến người ta lo ngại những nhà báo viết chuyên về nội chính và đi sâu mảng điều tra này sẽ có những vấn đề dính lứu. Mặc những định kiến, nhà báo Hữu Phú vẫn có những loạt bài chấn động. Rồi một ngày, sau khi TBT Nguyễn Công Khế rời khỏi Thanh Niên, nhà báo này cũng ra khỏi báo…

Im hơi lặng tiếng một thời, đến nay như là nghiệp của những người viết báo viết văn, nhu cầu viết vẫn sôi sục, và anh kể lại những chuyện đi làm báo, viết phóng sự rất chân thật, rất hay. Qua những mảng hồi tưởng này, nhiều người sẽ nhận thấy cách làm báo ngày trước như thế nào, cực khổ ra sao, và cuộc sống thật của một trong những nhà báo mang ánh hào quang cũng có nhiều nước mắt…

 *******
Hôm qua, sau khi bài “tâm sự một người từng làm báo” đầu tiên được tôi đăng lên fb của mình, điện thoại của tôi réo liên tục. Bạn bè, người quen, đồng nghiệp lớn nhỏ… ai cũng hỏi thăm, quan tâm, khiến tôi nhớ đến thời mình còn làm báo ngày xưa. Đã 5 năm rồi, điện thoại của tôi mới lại reo lên những tiếng kêu vui tươi như thế, cũng ấm lòng…


Trong số những cuộc gọi, có cuộc điện thoại của mấy “thằng em” ngày xưa, tụi nó vẫn gọi tôi là “đại ca” như thuở nào, thậm chí có thằng còn “mệnh danh” tôi là “cánh chim đầu đàn của làng phóng viên nội chính TP.HCM” như thời của mười mấy năm về trước. Ôi trời, thậm xưng quá thậm xưng, “đại ca” không dám nhận, anh chỉ dám xưng “đại ca” với các em vì anh lớn tuổi hơn mà thôi! 

Những “thằng nhóc đàn em” vẫn ngồi uống cà phê với tôi hồi nào, giờ cũng đã bốn mấy tuổi, hiện đang là nhà báo tên tuổi, gạo cội của nhiều tờ báo lớn trong cả nước, có đứa đang nắm giữ những chức vụ, vị trí then chốt của tòa soạn… Anh mừng, mừng vì làng báo Việt Nam vẫn còn các em, những nhà báo mà anh biết rất rõ, từng nhìn thấy các em trưởng thành trong nghề, một cái nghề rất khó để tồn tại, chứ đừng nói chi trưởng thành.

Nhắc lại chuyện nghề mới nhớ, cái hồi tôi mới đi làm báo, cũng như mấy “thằng nhóc đàn em” ngày xưa, trẻ trung, ôm nhiều hoài bão, ước mơ… cũng chọn cho mình một đàn anh để hâm mộ, học hỏi, noi gương. Lúc đó, hai từ phóng viên đối với tôi là thiêng liêng, nghề báo là lý tưởng… Vì thế, tôi chỉ muốn viết những bài báo thật hay, chọn đề tài thật kỹ. Nhưng, bài báo hay thì không dễ làm, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, chỉ lương phóng viên không thì không đủ sống, cần phải có nhuận bút thật nhiều để trang trải chi phí trong quá trình đeo đuổi nghề. 

Thế là, từ viết ít, tôi chuyển sang viết nhiều, từ chọn lọc, ke cẩm đề tài, tôi chuyển sang làm tin tức, phóng sự, điều tra, phản ánh… Thể loại nào cũng “chơi”, miễn sao bài được đăng, có tiền nhuận bút, đến mức mà anh Đặng Ngọc Khoa (giờ đã ra người thiên cổ) đàn anh cùng tổ với tôi cạnh tranh không nổi, phán một câu: “Thằng Hữu Phú nó viết như ngọc thô chưa mài”. Quả thật, bài lúc ấy của tôi chưa hay, nhưng được cái… nhiều. Không sao, đủ sống là được, tôi không thích làm người “cao cao tại thượng”, tự xây và nhốt mình trong cái tháp ngà cho thanh cao, rồi… chết đói trong đó! Tôi thích sống hơn, và sống được bằng nghề mà mình đam mê đã là một thành công.

Trời không phụ người có lòng, viết “điên cuồng” (dù chưa hay) như tôi cũng có cái mặt tốt của nó: Tôi nhuần nhuyễn với nghề, nổi tiếng viết nhanh, có những phóng sự tôi làm chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ (buổi sang anh Đoàn Xuân Hải yêu cầu có bài, chiều tôi đã nộp –bài Phu Đào Huyệt); còn những bài phỏng vấn nhanh thì “vô tay tôi” trở thành “nhanh như điện chớp”: 2 tiếng, từ lúc nhận đề tài đến lúc nộp bài. Muốn làm nhanh mà không sai, thì nghiệp vụ phải cứng, và từ đó những đế tài lớn và khó đối với tôi “không là vấn đề”. Cứ thế, tôi nổi tiếng lúc nào không hay…

Khi đã có tuổi, lương đã cao, tôi viết ít lại, kỹ hơn, đề tài cũng quay về hướng chọn lọc hơn… Như vậy, làm báo đối với tôi được chia thành 3 thời kỳ: Lý tưởng-mưu sinh- rồi lại lý tưởng. Lý tưởng của thời kỳ đầu là của một đứa trẻ ngây thơ chưa biết nghề báo là gì, nó quá khó với một phóng viên không giỏi nghiệp vụ, không thể thực hiện được. Lý tưởng của thời kỳ sau là của môt phóng viên đã nhiều năm lăn lộn trong nghề, đủ kỹ năng nghiệp vụ và nhận thức để biết rằng: mình quá nhỏ bé trong xã hội lớn lao, sức của một người không thể làm nổi, cũng quá khó, không làm được!

Nghề làm báo quá khó, tôi nghỉ luôn cho nó lành!

******
Bạn Lucy Nguyen comment: Em viết báo từ rất lâu, có lẽ bài đầu tiên là review 1 cuốn tiểu thuyết cho báo Nhân Dân vào năm 1990 năm lớp 9, từ đó viết liên tục với nhiều dề tài mảng văn hóa, xã hội cho các tờ báo khác nhau trong suốt thời gian học đại học Ngoại Ngữ và đại học Ngoại giao với nhiều bút danh. Sau khi vào Thanh Báo Thanh Niên, e cũng say mê viết rất nhiều thể loại, văn hóa, giải trí, quốc tế, thanh niên, thể thao, phóng sự điều tra... 

Có lẽ em cũng được may mắn là có anh Sánh và các anh chị các ban rất ủng hộ và luôn khuyến khích cho viết "thả cửa". Được sống với đam mê theo đuổi viết lách là một điều thực sự rất sung sướng. Đúng như a nói, chúng ta đã theo đuổi nghề phóng viên như một lý tưởng sống để rồi đến một lúc nào đó, chúng ta nhận ra rằng mình thật nhỏ bé và bất lực.

Càng viết nhiều, càng biết nhiều, càng lý tưởng hóa nghề nghiệp thật nhiều, sẽ càng thấy thất vọng nhanh và đau đớn khi nghề nghiệp mà mình yêu quý, trân trọng đó giờ đây vì thời cuộc xã hội mà bị biến đổi nhiều. Vì thế em đã dừng lại sau 10 năm làm việc ở đây, để nhìn nhận lại vấn đề rằng, mình viết báo vì mưu sinh hay vì lý tưởng. Nếu nó không còn được đẹp như lý tưởng ban đầu mà mình mong muốn và đeo đuổi thì mình xiin dừng bước. Một khi phóng viên đã mất lửa thì sẽ rất khó khơi gợi lại niềm đam mê, trừ khi có những người thực sự thấu hiểu và cùng chung nhiệt huyết tác động.

Bài 1: TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TỪNG LÀM BÁO: TÔI ĐI LÀM PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA. (kỳ 1)

Sau thành công vang dội của 2 loạt bài điều tra vừa phá án vừa bán báo đăng trên báo Thanh Niên là “Vụ án KTS Nguyễn Trung Nhiên giết người tình chặt khúc” và “Vụ lừa đảo thế kỷ của bà trùm nông sản xuất khẩu mê cải lương Trần Xuân Hoa”, tôi được “đại ca của các đại ca” là TBT Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế “biết mặt, đặt tên”…

Một hôm, anh Khế kêu tôi vào phòng làm việc của anh, đưa tôi 1 lá đơn thưa của ai đó và nói: “Mầy đọc đi, rồi cho anh biết ý kiến”. Tôi… hết hồn, tưởng người ta thưa mình mà tới đến tận tai TBT phải trực tiếp xử lý. Đinh ninh rằng: “Xong “cú” này, chắc mình đi… “bụi” luôn!”, tôi rụt rè cầm lấy lá đơn thưa, nhu mì đọc… Xong, tôi như trút bỏ được gánh nặng đè trên ngực khiến tôi không thở được nãy giờ. Thì ra, là đơn thưa của những người dân làm nghề cá ở thị xã biển Vũng Tàu, thưa một băng nhóm xã hội đen đang chèn ép họ bằng bạo lực. Tưởng gì chứ… (?!)

Anh Khế hỏi tôi: “Mầy làm được không?” “Dạ, em sẽ cố gắng!” -Tôi khúm núm một cách lưỡng lự. Anh Khế quát: “Đ.M làm được hay không thì nói, chứ không có cố gắng!” (xin lỗi anh Khế, em thuật lại nguyên văn). Với một thằng phóng viên trẻ như tôi lúc bấy giờ, tôi sợ anh Khế còn hơn sợ vợ, nhìn thấy nét mặt uy quyền của anh, tôi khúm núm một cách… cương quyết: “Dạ, được. Thưa anh!”. Mặt anh Khế giãn ra, anh hỏi: “Mầy cần cái gì, mất bao lâu để hoàn thành bài này?” Tôi trả lời: “Dạ, khoảng 3 tuần, em cần 300 ngàn.” “Tốt, đi xuống chị Minh (thủ quỹ) lấy tiền!” Anh Khế đóng hồ sơ, đưa tôi lá đơn thưa của người dân Vũng Tàu.

300 ngàn. Đối với tôi, trong thập niên 90 của thế kỷ 20 là số tiền lớn mà tôi có thể nghĩ ra để “vòi vĩnh” tòa soạn trong môt nhiệm vụ khó (bằng 2 tháng lương của một phóng viên “cùi bắp” như tôi lúc bấy giờ). Đến khi cầm 300 ngàn trong tay, tôi mới thấy là mình “ngu” và “hiền” quá. Số tiền đó, có thể là lớn khi mình tiêu nó trong một ngày, nhưng nếu chia ra cho 3 tuần “ăn dầm, nằm dề” ở phố biển Vũng tàu để thực hiện môt nhiệm vụ “bất khả thi” (có thể dẫn đến mất mạng) là điều tra và phá một băng nhóm xã hội đen có “số má” đang hoành hành tại nơi đây, thì nó là số tiền quá nhỏ, chỉ đủ để ăn, chứ không đủ để ở… Vậy, giải pháp để sống sót và hoàn thành nhiệm vụ trở về là gì? Chỉ có thể là: Nhanh. Tấn công nhanh, tiêu diệt gọn, trở về khi kẻ địch chưa kịp biết mình là ai và mình chưa kịp chết… đói, vì hết tiền công tác phí.

Trên lý thuyết thì là như vậy, nhưng làm sao để “giải quyết vụ án này trong thời gian nhanh nhất” trên thực tế mới là "vấn đề". (còn tiếp)


Chủ Nhật, 12 tháng 2, 2017

NĂM 2017, THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN TIỀM ẨN NHIỀU RỦI RO

  
Sau 03 năm thực hiện chính sách này, đến hết tháng 11/2016, cả nước đã có 56.181 người tạo lập được nhà ở, và đã giải ngân được gần 30.000 tỷ đồng.
THỊ TRƯỜNG ĐANG LỆCH PHA
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM), đã có 10.316 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng với tổng số tiền được vay là 7.032,3 tỷ đồng. Trong đó, có 10.308 cá nhân vay 5.575, 4 tỷ đồng, và 8 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay 1.456,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc chấm dứt gói tín dụng ưu đãi này cũng đã có tác động tiêu cực làm cho người có thu nhập thấp đô thị khó tiếp cận nhà ở, và cũng tác động đến phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền.
Có thể thấy, từ cuối năm 2013 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng tích cực, và năm 2015 là năm mà thị trường đạt đỉnh cao nhất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại trong năm 2016 và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro, như đã có hiện tượng lệch pha cung - cầu, chủ yếu lệch về phân khúc bất động sản cao cấp, du lịch nghỉ dưỡng.
Hiện nay, nguồn vốn tín dụng của các ngân hàng và nguồn vốn xã hội (chủ yếu là của người mua nhà) đổ vào thị trường bất động sản rất lớn, có xu hướng lệch về một số doanh nghiệp lớn. Đặc biệt thị trường đã có sự gia tăng nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp...


XU HƯỚNG ĐIỀU CHỈNH HẠN CHẾ RỦI RO
Từ thực tiễn đó, Hiệp hội BĐS Tp.HCM và Bộ Xây dựng đã có cảnh báo và khuyến nghị các doanh nghiệp cần cơ cấu lại đầu tư, nên chuyển hướng đầu tư vào phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà cho thuê giá thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN chỉ sau 1 năm triển khai, để thay thế bằng Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 06/06/2016 nâng hệ rủi ro trong kinh doanh bất động sản từ 150% lên mức 200%.
Đồng thời, Ngân hàng cũng đặt ra lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản trong 2 năm (năm 2016 giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn ở mức 60%; từ 01/01/2017 giảm còn 50%; từ 01/01/2018 giảm còn 40%).
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng vừa đưa ra kế hoạch từ nay đến trước năm 2020 sẽ xây dựng Luật Thuế đánh trên người sở hữu nhiều nhà ở nhằm mục đích ngăn ngừa đầu cơ nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường bất động sản.
Thị trường bất động sản Tp.HCM năm 2016 và năm 2017 có thêm trên 30.000 sản phẩm nhà ở. Chỉ riêng Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn cho 57 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 29.017 căn nhà, gồm có 27.792 căn hộ và 1.225 nhà thấp tầng. Trong đó, có 5.630 căn hộ thuộc phân khúc cao cấp, chiếm tỷ lệ 20,3%; có 16.750 căn hộ thuộc phân khúc trung cấp, chiếm tỷ lệ 60,3%; và 5.412 căn hộ thuộc phân khúc bình dân, chiếm tỷ lệ 21,6%.
Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp như Công ty Him Lam, Công ty Khang Điền...xây dựng xong nhà mới bán cho người tiêu dùng nên không phải đăng ký bán hàng qua Sở Xây dựng. Kết quả hoạt động của thị trường bất động sản Tp.HCM năm 2016 đã cho thấy phân khúc nhà ở vừa túi tiền chiếm tỷ lệ 79,7% vẫn đang là phân khúc chủ đạo.
Giao dịch bất động sản 11 tháng đầu năm 2016 tại Tp.HCM đạt khoảng 14.000 giao dịch, giảm hơn 10% so với năm 2015 (có 18.700 giao dịch). Tồn kho bất động sản cả nước còn khoảng 31.842 tỷ đồng, giảm 19.047 tỷ đồng so với năm 2015; Trong đó, Tp.HCM chỉ còn tồn kho 5.954 tỷ đồng, giảm 4.153 tỷ đồng so với năm 2015.


THIẾU CĂN HỘ THƯƠNG MẠI GIÁ RẺ 
Giá bán căn hộ chỉ tăng khoảng trên dưới 5%, giá bán đất nền có mức tăng cao hơn khoảng trên dưới 10% tùy theo loại sản phẩm, tiện ích, hoặc vị trí dự án. Tuy nhiên, thị trường vẫn thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, và nhà ở thương mại giá rẻ, đặc biệt thiếu nhà ở thương mại cho thuê giá rẻ.
Bên cạnh đó, với 500 dự án trên địa bàn thành phố bị ngừng triển khai, trong đó có nhiều dự án bất động sản dở dang, do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do giải phóng mặt bằng, đang là "phần chìm của tảng băng hàng tồn kho", có nguy cơ gây đỗ vỡ thị trường.
Nhưng đáng phê phán là có một số ít doanh nghiệp chưa hoàn thành phần móng chung cư, chưa có bảo lãnh ngân hàng, chưa giải chấp tài sản thế chấp, hoặc chưa được Sở Xây dựng chứng nhận đủ điều kiện nhưng đã bán nhà hình thành trong tương lai cho người tiêu dùng, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua nhà.

ĂN MÀY QUYỀN LỰC (Kỳ 2)

Chẳng là mấy dự án này vốn nằm trong khu nghĩa địa cũ. Vì thế, công tác đền bù giải tỏa cũng rẻ hơn. Với quyết tâm thu hồi nhanh vốn để triển khai các dự án khác, khi cho xây dựng mấy khu nhà cao tầng ông cậu Út đã không thèm giải tỏa mấy cái mộ quanh đó mà xây tường bao quanh khu nhà để cách ly khu mộ. Đến giờ dân về ở thấy nằm sát mộ, khói nhang bên kia nghi ngút bay sang, nhiều người sợ.

Báo chí bắt đầu lên tiếng, nhà cao cấp sát bãi tha ma, thế là mấy vị lãnh đạo sốt ruột hỏi han. Ông cậu  Út mấy bữa rày lo giải trình vụ này nên không còn thời gian lo vụ làm xong quy hoạch để chuyển 300 ha tại Sơn Tây có qui hoạch dự kiến làm khu nông nghiệp kỹ thuật cao này thành khu dân cư.

Những năm trước, đang vào lúc đất lên cơn sốt, mọi người quay cuồng, có bao nhiêu tiền người ta đổ xô vào mua cổ phiếu, chơi cổ phiếu trên sàn chứng khoán, góp vốn vào các dự án mới trên giấy mà không biết nó sẽ mù mù tăm tăm ở đâu… Dự án của ông cậu Út vì thế có bao nhiêu căn hộ bán hết bấy nhiêu.




Quang Trần trách móc, cậu Út bảo:

       - “Có họa mà điên mới đi bốc hết mấy cái mộ này. Chẳng ai biết của ai, chạm vào là đền bù giải tỏa, mệt. Mày có biết, khi san lấp mặt bằng mấy đứa ở đội thi công đã hốt cốt những ngôi mộ không có người thân đưa qua rấp vào mấy khu mộ bên này không.”

       Trần hơi rùng mình:

      - Cậu không sợ sao?

       - Sợ gì. Thời chiến tranh tao đi bộ đội, mạng tao lớn nên mới sống đến giờ. Mấy thằng bạn chết bên cạnh tao, đang bị bao vây đâu có rút ra được mà mang chúng nó ra, thế là cứ để đó. Đêm đến ngưng tiếng súng tranh thủ chợp mắt, có khi nằm cạnh và gác chân lên mấy cái xác lạnh ngắt mà ngủ. Chẳng sao cả.

 Quang Trần biết, ông cậu Út đã vào sinh ra tử ở chiến trường nên chẳng sợ bóng sợ vía. Nhưng Quang Trần cứ lo ngại, bây giờ mọi thứ đã khác, người ta cũng khác, tin hơn vào thánh thần. Đôi khi ông tự hỏi, đó là tâm linh hay lòng biết ơn đến tổ tiên. Mấy ông cán bộ muốn lên chức thì cũng dấm dúi đi chùa, đi đình, chỗ nào nghe nói linh thiêng là vào khấn vái xin xỏ. Thậm chí không tiện thì các đàn em đã tổ chức đưa mấy bà chị, vợ các anh, đến chùa xin xỏ và khấn khải.

Có điều, càng lên chức to người ta càng mê tín. Đến lạ. Người mê tín đến mức khiến cho kẻ khác tưởng nhờ thánh thần phù hộ nên họ mới lên được cái chức vụ đó chứ chẳng liên quan gì đến tài năng và đạo đức của họ. Chữ tài ở đây dường như chẳng ăn nhập gì cả với sự thăng tiến đó. Sau tết, các anh chị lãnh đạo từ cấp bộ là kết một nhóm, có các đệ tử tiền hô hậu ủng, rồng rắn kéo từ chùa này sang chùa khác khấn vái và làm công quả.

Người ta còn khoe với nhau lòng thành, xem trong tết đó ai đi được nhiều chùa nhất. Rồi nhiều người hùn tiền đúc tượng xây chùa mới, tu bổ chùa cũ, thế nên chùa đang mọc lên nhan nhản khắp nước. Quang Trần không tin, nhưng phân vân. Nếu không là số phận thì làm sao anh có thể từ một người chưa qua đại học lại lên được chức tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn nhất nhì trong cả nước như thế.

Quang Trần tự biết, để nắm được cái ghế này anh đã rất nỗ lực. Nỗ lực trong công việc để mang lại hiệu quả, tất nhiên. Nhưng một nỗ lực khác không thể kể tên, đó là làm sao nắm bắt ý sếp bà mà chiều cho đặng.

Chiều cũng có nhiều kiểu. Kẻ ra mặt tung hô, người săn đón ân cần, còn Quang Trần lặng lẽ đi bên cạnh sếp bà, biết ý bà cần gì là đáp ứng ngay, không lên tiếng. Quang Trần cố gắng để sếp bà thấy mọi việc được chăm sóc nó như một đặc ân tự nhiên, rồi một hôm vắng Quang Trần nó mới vỡ ra, thiếu anh mọi việc chẳng được như ý. Thế là bà chợt nghĩ, nó mới là đứa mình cần, đứa làm được việc.

Nhưng ít ai biết, khởi đầu để có thể chuyển hướng như thế cũng là nhờ một bà thầy. Khi đó, Quang Trần còn không thấy cơ may nào cho cái ghế vì ông còn xếp hàng ở rất xa trong cáo danh sách quy hoạch cán bộ, Một lần đi xem ngày cúng động thổ một công trình nhỏ ở một bà thầy loại thầy vườn nhưng nghe nói rất hay, lúc vừa gặp bà bảo sau này Quang Trần sẽ làm bạn với vua, với chúa.



Thế là, từ lời phán đó, Quang Trần bắt đầu chú ý và hoạch định một kế hoạch tiếp cận sếp bà, các sếp khác trong cơ quan, mấy người đứng đầu các đoàn thể. Vì rằng, cơ chế muốn lên cầu sự quả quyết của sếp bà nhưng cũng cần những lá phiếu đồng thuận khi bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh. Biết nó là thứ phù phiếm, nhưng nhiều người nhờ nó mà lên được khi biết lấy lòng mọi người, hơn hẳn những kẻ vỗ ngực xưng tên có học nhưng lại kiêu căng chỉ biết hoàn thành mỗi công việc của mình, dù thực tốt.

Cũng từ đó, bà thầy bói vườn cũng một bước lên hương, đi đâu Quang Trần cũng mang theo, được ngồi ăn cùng mâm với các bậc quyền quí, nắm những bàn tay chỉ ký một chữ trị giá hàng tỷ đồng để mân mê xem từng đường chỉ tay xuôi hay ngược, nắn nắm bóp bóp... trong khi người đối diện trân trối nhìn nghe từng lời bàn thầy phán ra.


Cái cách này quả là lợi hại. Vì đặc biệt, phu nhân của các ông quan chức rất mê mẩn cái khoản này, thậm chí trong bữa ăn chẳng thèm ngó ngàng đến chén súp vi cá thương hạng trị giá 200 USD mỗi chén, mà chỉ quay sang thầm thì đòi bà thầy bói vườn phán xem ông chồng mình có tòm tem với cô thư ký hay không…