Thứ Bảy, 10 tháng 4, 2021

LOAY HOAY CHUYỆN CƠM ÁO GẠO TIỀN VỚI NHÀ BÁO

Buổi trưa, có một thằng đàn em trong nghề báo gọi điện cho tôi, tâm sự, nhờ tư vấn…

Chuyện của thằng đàn em tôi thực ra cũng chẳng có gì mới, là một câu chuyện cũ mà tôi đã ngộ ra từ 6 năm trước và đã điên cuồng tìm cách giải quyết nó một cách dứt điểm: Phải làm gì để sống nếu nghề báo không thể nuôi sống mình hoặc không còn làm báo nữa?

Đây là một câu hỏi mà rất nhiều nhà báo đã phải tự vấn và đau đầu khi đột ngột hoặc từ từ lâm vào hoàn cảnh này.

Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay đa phần các nhà báo đều lâm vào cảnh khó khăn về mặt kinh tế, tài chính khi bước vào tuổi trung niên – trừ những nhà báo đang công tác tại những tờ báo lớn - vì hầu hết những tòa soạn đều lâm vào cảnh “giật gấu vá vai”, “thiếu trước hụt sau”… Và, những nhà báo sau khi bỏ nghề hoặc rời khỏi những tòa soạn lớn mà họ từng phục vụ lâm vào hoàn cảnh éo le khá nhiều.

Để giải quyết vấn đề cơm áo gạo tiền trước mắt, có nhà báo thì bán… quán nhậu, mở quán cà phê; có người thì cố gắng bám nghề bằng mọi giá, chạy đôn chạy đáo kiếm “phi vụ”, hợp đồng quảng cáo… Nói chung là vất vả, làm những cái nghề thông thường ai cũng nghĩ ra, ai cũng làm, và tất nhiên là khả năng thành công trong mảnh “đất chật người đông” là rất khó!

Thằng đàn em của tôi tâm sự: “Nó trả lương em có 10 triệu đồng / tháng thì làm sao sống? Còn giao em đứng trưởng đại diện thì mỗi năm em phải nộp về tòa soạn 480 triệu đồng, lương em thì được trả 20 triệu đồng / tháng… cũng không dễ. Khổ lắm anh ạ, em làm báo 30 năm rồi, bây giờ bỏ thì cũng tiếc!” Vâng, tiếc lắm, và bởi vì tiếc nên mới lâm vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan!

Tôi đã từng là thủ trưởng một cơ quan báo chí đại diện phía Nam, từng phải tìm đủ mọi cách để tự chủ về mặt tài chính, thực hiện nghĩa vụ với cơ quan, nuôi sống đám “lính” của mình, còn bản thân thì lãnh mức lương bèo bọt theo quy định của nhà nước, không đủ tiền ăn sáng mỗi ngày, nếu mà hứng chí lên, đem tiền lương bao đám lính ăn nhậu thì chỉ 1 bữa là… hết sạch! Lúc đó, mọi tâm niệm của tôi đều chỉ tập trung vào việc làm sao kiếm được cho thật nhiều tiền để nuôi quân, để phát triển tờ báo, để tự nuôi bản thân và gia đình mình một cách đàng hoàng, không thiếu đói. Nhưng, kiếm tiền không dễ, bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu thứ phải chi phí, phải làm sao cho đúng… Điên cái đầu!

Ngay từ thời cách đây gần chục năm, tôi đã tự nhận ra một điều bất hợp lý là: Cơ quan do tôi làm thủ trưởng phải tự chủ về tài chính, tuân theo quy luật thị trường, nhưng sản phẩm chúng tôi sản xuất ra thì phải tuân theo quy định của nhà nước, không theo quy luật thị trường. Như vậy, thì khả năng sản phẩm chúng tôi làm ra sẽ không bán được vì không phù hợp với nhu cầu, mong muốn, thị hiếu… của người mua là rất cao. Vậy thì làm sao sống? Nếu muốn sống, chỉ còn có 2 con đường mà tôi nhìn thấy trước mắt lúc đó: Một là đi ăn cướp; hai là đi ăn mày! Cả hai cách, tôi đều không muốn, không thích…

Trong một cuộc họp với lãnh đạo của tôi, tôi cũng đã nêu bật ý này nhưng… không ai có một giải pháp khả thi vì chẳng ai có đủ khả năng chịu trách nhiệm nếu làm sai quy định.

Tôi đã từng trằn trọc nhiều đêm không ngủ, suy nghĩ về đời mình, nghề nghiệp của mình… Khi nghề báo đã không thể nuôi sống bản thân tôi và gia đình một cách đàng hoàng, chân chính, thì tôi có nên cố tìm đủ mọi cách để giữ nghề? Nếu đủ dũng khí, tuyệt tình bỏ nghề, tôi sẽ phải làm gì để nuôi sống bản thân và gia đình mình? Không dễ để đưa ra một quyết định dứt khoát và đủ dũng khí để dấn thân vào một con đường mình chưa từng đi lúc ở tuổi trung niên…

Cuối cùng, tôi cũng quyết bỏ nghề làm báo, đơn giản chỉ vì: Nếu còn lưu luyến thêm ngày nào thì bản thân mình sẽ nguy hiểm, tàn tạ thêm ngày ấy. Bỏ nghề sớm được ngày nào thì mình sẽ tăng thêm cơ hội, có thêm nhiều thời gian để làm quen với môi trường sống mới ngày ấy.

Tôi đã từng là một nhà báo có nhiều thành tích trong nghề, dứt bỏ những thành tựu cả một thời tuổi trẻ của mình không dễ, nhưng cũng đành… Ngày 21/6 năm ấy, tôi nhắn tin cho những bạn bè đồng nghiệp cũ của mình bằng một giọng điệu buồn bã, ảm đạm, sến súa mà tôi chưa từng như thế bao giờ!

Bỏ nghề báo, lúc đó tôi chỉ còn phải đối diện với một vấn đề: Làm gì để sống?

Tôi cũng từng thử mở quán, từng thử buôn bán lặt vặt, tìm cơ hội ở những lĩnh vực mà mình đam mê… Nhưng, tất cả những thứ tôi nhìn thấy thời điểm đó đều là những thứ dễ làm nhưng làm… không dễ, quá nhiều người làm, quá nhiều người cạnh tranh, và như vậy thì khả năng tồn tại của một kẻ không chuyên như tôi đã là một điều khó, chứ nói chi đến chuyện phát triển.

Chẳng lẽ tôi sẽ ngồi chờ… chết đói trong một căn nhà biệt thự rộng rãi, lộng lẫy, giá trị cao, để giữ “phong độ” của một người từng thành đạt? Đương nhiên là không, tôi không phải là một kẻ thụ động, mà là mẫu người của hành động, nhanh nhẹn, nhạy bén, can đảm, nếu không nói là liều lĩnh.

Tôi đã làm điều mà rất nhiều người không dám làm: Bán con mẹ nó cái nhà to mà tôi đã khổ công tích góp, dành dụm cả đời đi để chơi một canh bạc lớn! Cầm được số tiền lớn (không phải ai cũng có) trong tay, tôi chơi “tất tay” với cuộc đời mình. Nếu tôi quá dở, trở thành một kẻ thua cuộc, tôi sẽ an bài tối đa cho vợ con rồi “đi chết đi!”, không oán thán!. Còn nếu tôi thắng, cuộc đời của tôi và cả gia đình sẽ sang trang mới, từ nay sẽ không còn phụ thuộc vào bất kỳ ai chỉ để tồn tại một cách lay lắt giữa đời…

Thật may, tôi không thua, tôi có một số vốn kiến thức và vốn sống, kinh nghiệm… phong phú thu thập được từ thời còn cọ sát khắc nghiệt trong môi trường báo chí. Đó là một lợi thế đáng kể bởi không phải ai cũng có cơ hội va chạm đủ mọi cấp độ, rèn luyện khả năng thực chiến cao như tôi.

Bây giờ, tôi như các bạn đã thấy. Tôi không giàu, nhưng cũng đủ để không cần ai giúp đỡ chỉ để tồn tại trong cuộc đời này. Tôi tự trả lương cho chính mình, tự nuôi sống gia đình, định hướng tương lai…

Thân gởi những đàn em của tôi trong nghề báo, nếu có người nào đã, đang, hoặc sắp lâm vào hoàn cảnh tôi từng trải qua: Hãy cứ mạnh dạn dấn bước trên con đường vô định như các bạn đã từng, và cái các bạn cần trang bị cho mình trên con đường ấy cũng như hồi các bạn còn trẻ là dũng khí, ý chí… cái gì cần buông bỏ, nên buông bỏ, đã đến lúc buông bỏ, thì phải buông bỏ. Cái gì cần làm, nên làm, đến lúc làm, thì phải đủ dũng khi và quyết đoán để làm.

Thật ra, bây giờ hành trang các bạn đem theo trên đường đời có nhiều hơn hồi trẻ mà đôi khi các bạn không tự nhận ra là: Các bạn có nhiều tiền, nhiều vốn sống, kinh nghiệm hơn hồi đó.

Vậy nhé, đừng sợ hãi, buồn bã, “lăn tăn” nữa!

Hữu Phú (7/4/2021)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét