Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

TÂM SỰ MỘT NGƯỜI TỪNG LÀM BÁO: TÔI ĐI LÀM BÁO (NHÀ BÁO HỮU PHÚ)


NPV: Mới đây, cộng đồng mạng bùng nổ với những bài viết lại thời kỳ làm báo của nhà báo trưởng thành và nổi danh từ báo Thanh Niên là anh Hữu Phú. Đây là một nhà báo từng nổi tiếng với các loạt bài điều tra xã hội đen trước đây. Cũng vì thế, xung anh nhà báo này cũng nhiều lời đồn đại, ăn tiền, bảo kê… cũng như những các các giang hồ xã hội đen vậy.

Sự kiện làng báo có một loạt nhà báo bị bắt và kết án tù vào lúc đấy khiến người ta lo ngại những nhà báo viết chuyên về nội chính và đi sâu mảng điều tra này sẽ có những vấn đề dính lứu. Mặc những định kiến, nhà báo Hữu Phú vẫn có những loạt bài chấn động. Rồi một ngày, sau khi TBT Nguyễn Công Khế rời khỏi Thanh Niên, nhà báo này cũng ra khỏi báo…

Im hơi lặng tiếng một thời, đến nay như là nghiệp của những người viết báo viết văn, nhu cầu viết vẫn sôi sục, và anh kể lại những chuyện đi làm báo, viết phóng sự rất chân thật, rất hay. Qua những mảng hồi tưởng này, nhiều người sẽ nhận thấy cách làm báo ngày trước như thế nào, cực khổ ra sao, và cuộc sống thật của một trong những nhà báo mang ánh hào quang cũng có nhiều nước mắt…

 *******
Hôm qua, sau khi bài “tâm sự một người từng làm báo” đầu tiên được tôi đăng lên fb của mình, điện thoại của tôi réo liên tục. Bạn bè, người quen, đồng nghiệp lớn nhỏ… ai cũng hỏi thăm, quan tâm, khiến tôi nhớ đến thời mình còn làm báo ngày xưa. Đã 5 năm rồi, điện thoại của tôi mới lại reo lên những tiếng kêu vui tươi như thế, cũng ấm lòng…


Trong số những cuộc gọi, có cuộc điện thoại của mấy “thằng em” ngày xưa, tụi nó vẫn gọi tôi là “đại ca” như thuở nào, thậm chí có thằng còn “mệnh danh” tôi là “cánh chim đầu đàn của làng phóng viên nội chính TP.HCM” như thời của mười mấy năm về trước. Ôi trời, thậm xưng quá thậm xưng, “đại ca” không dám nhận, anh chỉ dám xưng “đại ca” với các em vì anh lớn tuổi hơn mà thôi! 

Những “thằng nhóc đàn em” vẫn ngồi uống cà phê với tôi hồi nào, giờ cũng đã bốn mấy tuổi, hiện đang là nhà báo tên tuổi, gạo cội của nhiều tờ báo lớn trong cả nước, có đứa đang nắm giữ những chức vụ, vị trí then chốt của tòa soạn… Anh mừng, mừng vì làng báo Việt Nam vẫn còn các em, những nhà báo mà anh biết rất rõ, từng nhìn thấy các em trưởng thành trong nghề, một cái nghề rất khó để tồn tại, chứ đừng nói chi trưởng thành.

Nhắc lại chuyện nghề mới nhớ, cái hồi tôi mới đi làm báo, cũng như mấy “thằng nhóc đàn em” ngày xưa, trẻ trung, ôm nhiều hoài bão, ước mơ… cũng chọn cho mình một đàn anh để hâm mộ, học hỏi, noi gương. Lúc đó, hai từ phóng viên đối với tôi là thiêng liêng, nghề báo là lý tưởng… Vì thế, tôi chỉ muốn viết những bài báo thật hay, chọn đề tài thật kỹ. Nhưng, bài báo hay thì không dễ làm, cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn, chỉ lương phóng viên không thì không đủ sống, cần phải có nhuận bút thật nhiều để trang trải chi phí trong quá trình đeo đuổi nghề. 

Thế là, từ viết ít, tôi chuyển sang viết nhiều, từ chọn lọc, ke cẩm đề tài, tôi chuyển sang làm tin tức, phóng sự, điều tra, phản ánh… Thể loại nào cũng “chơi”, miễn sao bài được đăng, có tiền nhuận bút, đến mức mà anh Đặng Ngọc Khoa (giờ đã ra người thiên cổ) đàn anh cùng tổ với tôi cạnh tranh không nổi, phán một câu: “Thằng Hữu Phú nó viết như ngọc thô chưa mài”. Quả thật, bài lúc ấy của tôi chưa hay, nhưng được cái… nhiều. Không sao, đủ sống là được, tôi không thích làm người “cao cao tại thượng”, tự xây và nhốt mình trong cái tháp ngà cho thanh cao, rồi… chết đói trong đó! Tôi thích sống hơn, và sống được bằng nghề mà mình đam mê đã là một thành công.

Trời không phụ người có lòng, viết “điên cuồng” (dù chưa hay) như tôi cũng có cái mặt tốt của nó: Tôi nhuần nhuyễn với nghề, nổi tiếng viết nhanh, có những phóng sự tôi làm chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ (buổi sang anh Đoàn Xuân Hải yêu cầu có bài, chiều tôi đã nộp –bài Phu Đào Huyệt); còn những bài phỏng vấn nhanh thì “vô tay tôi” trở thành “nhanh như điện chớp”: 2 tiếng, từ lúc nhận đề tài đến lúc nộp bài. Muốn làm nhanh mà không sai, thì nghiệp vụ phải cứng, và từ đó những đế tài lớn và khó đối với tôi “không là vấn đề”. Cứ thế, tôi nổi tiếng lúc nào không hay…

Khi đã có tuổi, lương đã cao, tôi viết ít lại, kỹ hơn, đề tài cũng quay về hướng chọn lọc hơn… Như vậy, làm báo đối với tôi được chia thành 3 thời kỳ: Lý tưởng-mưu sinh- rồi lại lý tưởng. Lý tưởng của thời kỳ đầu là của một đứa trẻ ngây thơ chưa biết nghề báo là gì, nó quá khó với một phóng viên không giỏi nghiệp vụ, không thể thực hiện được. Lý tưởng của thời kỳ sau là của môt phóng viên đã nhiều năm lăn lộn trong nghề, đủ kỹ năng nghiệp vụ và nhận thức để biết rằng: mình quá nhỏ bé trong xã hội lớn lao, sức của một người không thể làm nổi, cũng quá khó, không làm được!

Nghề làm báo quá khó, tôi nghỉ luôn cho nó lành!

******
Bạn Lucy Nguyen comment: Em viết báo từ rất lâu, có lẽ bài đầu tiên là review 1 cuốn tiểu thuyết cho báo Nhân Dân vào năm 1990 năm lớp 9, từ đó viết liên tục với nhiều dề tài mảng văn hóa, xã hội cho các tờ báo khác nhau trong suốt thời gian học đại học Ngoại Ngữ và đại học Ngoại giao với nhiều bút danh. Sau khi vào Thanh Báo Thanh Niên, e cũng say mê viết rất nhiều thể loại, văn hóa, giải trí, quốc tế, thanh niên, thể thao, phóng sự điều tra... 

Có lẽ em cũng được may mắn là có anh Sánh và các anh chị các ban rất ủng hộ và luôn khuyến khích cho viết "thả cửa". Được sống với đam mê theo đuổi viết lách là một điều thực sự rất sung sướng. Đúng như a nói, chúng ta đã theo đuổi nghề phóng viên như một lý tưởng sống để rồi đến một lúc nào đó, chúng ta nhận ra rằng mình thật nhỏ bé và bất lực.

Càng viết nhiều, càng biết nhiều, càng lý tưởng hóa nghề nghiệp thật nhiều, sẽ càng thấy thất vọng nhanh và đau đớn khi nghề nghiệp mà mình yêu quý, trân trọng đó giờ đây vì thời cuộc xã hội mà bị biến đổi nhiều. Vì thế em đã dừng lại sau 10 năm làm việc ở đây, để nhìn nhận lại vấn đề rằng, mình viết báo vì mưu sinh hay vì lý tưởng. Nếu nó không còn được đẹp như lý tưởng ban đầu mà mình mong muốn và đeo đuổi thì mình xiin dừng bước. Một khi phóng viên đã mất lửa thì sẽ rất khó khơi gợi lại niềm đam mê, trừ khi có những người thực sự thấu hiểu và cùng chung nhiệt huyết tác động.

Bài 1: TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TỪNG LÀM BÁO: TÔI ĐI LÀM PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA. (kỳ 1)

Sau thành công vang dội của 2 loạt bài điều tra vừa phá án vừa bán báo đăng trên báo Thanh Niên là “Vụ án KTS Nguyễn Trung Nhiên giết người tình chặt khúc” và “Vụ lừa đảo thế kỷ của bà trùm nông sản xuất khẩu mê cải lương Trần Xuân Hoa”, tôi được “đại ca của các đại ca” là TBT Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế “biết mặt, đặt tên”…

Một hôm, anh Khế kêu tôi vào phòng làm việc của anh, đưa tôi 1 lá đơn thưa của ai đó và nói: “Mầy đọc đi, rồi cho anh biết ý kiến”. Tôi… hết hồn, tưởng người ta thưa mình mà tới đến tận tai TBT phải trực tiếp xử lý. Đinh ninh rằng: “Xong “cú” này, chắc mình đi… “bụi” luôn!”, tôi rụt rè cầm lấy lá đơn thưa, nhu mì đọc… Xong, tôi như trút bỏ được gánh nặng đè trên ngực khiến tôi không thở được nãy giờ. Thì ra, là đơn thưa của những người dân làm nghề cá ở thị xã biển Vũng Tàu, thưa một băng nhóm xã hội đen đang chèn ép họ bằng bạo lực. Tưởng gì chứ… (?!)

Anh Khế hỏi tôi: “Mầy làm được không?” “Dạ, em sẽ cố gắng!” -Tôi khúm núm một cách lưỡng lự. Anh Khế quát: “Đ.M làm được hay không thì nói, chứ không có cố gắng!” (xin lỗi anh Khế, em thuật lại nguyên văn). Với một thằng phóng viên trẻ như tôi lúc bấy giờ, tôi sợ anh Khế còn hơn sợ vợ, nhìn thấy nét mặt uy quyền của anh, tôi khúm núm một cách… cương quyết: “Dạ, được. Thưa anh!”. Mặt anh Khế giãn ra, anh hỏi: “Mầy cần cái gì, mất bao lâu để hoàn thành bài này?” Tôi trả lời: “Dạ, khoảng 3 tuần, em cần 300 ngàn.” “Tốt, đi xuống chị Minh (thủ quỹ) lấy tiền!” Anh Khế đóng hồ sơ, đưa tôi lá đơn thưa của người dân Vũng Tàu.

300 ngàn. Đối với tôi, trong thập niên 90 của thế kỷ 20 là số tiền lớn mà tôi có thể nghĩ ra để “vòi vĩnh” tòa soạn trong môt nhiệm vụ khó (bằng 2 tháng lương của một phóng viên “cùi bắp” như tôi lúc bấy giờ). Đến khi cầm 300 ngàn trong tay, tôi mới thấy là mình “ngu” và “hiền” quá. Số tiền đó, có thể là lớn khi mình tiêu nó trong một ngày, nhưng nếu chia ra cho 3 tuần “ăn dầm, nằm dề” ở phố biển Vũng tàu để thực hiện môt nhiệm vụ “bất khả thi” (có thể dẫn đến mất mạng) là điều tra và phá một băng nhóm xã hội đen có “số má” đang hoành hành tại nơi đây, thì nó là số tiền quá nhỏ, chỉ đủ để ăn, chứ không đủ để ở… Vậy, giải pháp để sống sót và hoàn thành nhiệm vụ trở về là gì? Chỉ có thể là: Nhanh. Tấn công nhanh, tiêu diệt gọn, trở về khi kẻ địch chưa kịp biết mình là ai và mình chưa kịp chết… đói, vì hết tiền công tác phí.

Trên lý thuyết thì là như vậy, nhưng làm sao để “giải quyết vụ án này trong thời gian nhanh nhất” trên thực tế mới là "vấn đề". (còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét